Giống nai rất hiền và nhát, nhưng lúc hưng phấn trong người thì chúng lại… không hiền, không nhát tí nào !
Nào là chạy nhảy, nào là rượt đuổi húc nhau, nào là cào nền chuồng thành từng hố đất dơ bẩn… Chuồng nai mà làm sơ sài quá tất nhiên là không hợp với chúng rồi.
Dù chuồng hay trại để nuôi nai, bao giờ cũng phải thật chắc chắn. Phải dùng vật liệu tốt, bền, và thiết kế đúng phương pháp, phải thích hợp với con vật. Nếu nhà chỉ nuôi một hai con thì người ta nuôi bằng chuồng, nhưng nếu nuôi nhiều con, tức nuôi bầy thì nên nuôi trại.
Chuồng nai xây kết hợp song thép
Chuồng nuôi nai: Chuồng nai làm từng ngăn, kích thước không cần lớn lắm : ngang chừng ba thước, sâu chừng 4 thước là đủ rộng rãi rồi. Nhưng chuồng phải có nền cao ráo (không đọng nước), nóc lợp lá hoặc ngói cho mát mẻ (nai không chịu nóng), vách chuồng có thể đóng róng như kiểu chuồng trâu bò, nhưng phải dùng cây to và chắc chắn. Róng phải đóng cao trên hai thước, vì nai có thể chồm lên để phóng ra ngoài (khi quá sợ hãi hoặc hưng phấn trong mùa động dục).
Nền chuông có thể làm bằng đất nện, tốt hơn là nên lót ván dày, hoặc tráng ciment, lót gạch tàu để dễ quét dọn. Nền chuông nên có độ dốc ra sau để nước tiểu nai dễ thoát. Chung quanh chuồng không có mương rãnh đọng nước, không có rốc rên là nơi chứa vi khuẩn bệnh tật, nơi quyến rũ ruồi muỗi tràn vào hút máu nai, Chuồng nai cũng nên làm xa chỗ ao tù nước đọng, nhất là không có gió lùa.
Chuồng nai bằng gỗ
Nên nuôi mỗi con một ngăn chuồng khi chúng đã trưởng thành, và chuồng nai đực nên làm cách xa chuồng nai cái, càng xa càng tốt, và càng ngược gió càng tốt, đế chúng tránh được nạn “gió mã ngưu”. Khi nai cái bắt đầu động dục mà nai đực bắt được mùi thì… nó hùng hổ phá chuồng để đến gần con cái cho bằng được ! Trường hợp này chỉ gây khó khăn cho người nuôi.
Điều cần nói thêm là chuồng nai nên làm nơi yên tĩnh, vì giống nai thích tĩnh chứ không thích động. Lúc ăn no, chúng muốn thu mình vào một góc chuồng, vừa nhai cỏ vừa nhắm mắt ngủ gật !
Xây dựng Trại nuôi nai để chăn nuôi số lượng lớn
Nếu nuôi nhiều nai, người ta phải nuôi trại. Trại càng rộng càng tốt, vì nai có đủ chỗ để vận động. Trại cần được thiết lập trên vùng đất cao, mưa lụt không ảnh hưởng gì. Quanh trại tất nhiên phải được bao bọc bằng hàng rào chắc chắn, cao trên hai thước. Phần dưới nền xây vòng tường dày 20 phân, phần trên vây lưới B40 là tốt nhất.
Như phần trên đã nói, con nai hiền, nhát nhưng ưa phá, thích húc nhau, thích húc tường, nhất là khi nó ngứa sừng. Trong trường hợp đó mà hàng rào thô sơ thì… nai sẽ chạy mất lúc nào không hay !
Trại nai chia ra làm hai phần: một góc nào đó làm nhà trại, để nai vào đó ăn uống, trú mưa nắng, sương gió. Còn phần bên ngoài làm sân để làm nơi nai đi lại vận động. Nếu giữa sân mà có vài cây lớn tỏa bóng mát thì quả là lý tưởng.
Trại là nai thả chung các loại nai lứa, nai con, nai già. Còn nai đực giống, nai đực nuôi lấy nhung, và nai chửa dứt khoát nên nuôi riêng, mỗi con một chuồng, để chúng khỏi húc nhau khỏi bị thương tật, hoặc sẩy thai. Nai cái mới chửa từ 1 đến 5 tháng có thể thả chung trong trại để vận động. Sự vận động của nai cái hằng ngày rất cần thiết cho sự nẩy nở của cái thai và sự đẻ dễ sau này.
Được biết nai cái có chửa khoảng 8 tháng thì sinh. Nhưng cũng có con đẻ trễ hơn vài tuần. Đó là điều mà người chăn nuôi thú rừng (mới thuần hóa) thường thắc mắc. Với trâu bò, heo, ngựa thì thời gian chửa đẻ rất chính xác, quá lắm chỉ trồi sụt vài ba ngày là cùng. Nhưng với hươu nai thì thời gian đó không sao tính nổi. Có con chửa ngắn ngày, nhưng có con lại chửa dài ngày, mặc dù mức dinh dưỡng như nhau, tuổi tác con mẹ cũng bằng nhau. Chẳng lẽ chúng chưa được thuần hóa đúng mức nên chúng còn “chất rừng” như vậy sao ? Tất nhiên, không ai biết rõ trong thiên nhiên, nai có chửa bao nhiêu ngày, để đem ra so sánh giữa “nai rừng” và “nai nhà” xem có chênh lệch hay không ?
Trong chuồng nai, người ta cũng thiết lập một vùng riêng biệt để làm nơi nai phối giống. Khi nào có nai cái rượng đực, người ta thả cái vào đó rồi “kè” nai đực thả vào sau, để cho chúng tự do trong đó chừng vài ba ngày là quá đủ.
Nên nhớ là một nai đực có thể phủ được năm bảy nai cái. Chúng ta có thể thả chúng tất cả những con cái này vào. Đực không bao giờ ghen tuông với cái, nó chỉ đuổi dánh những con đực nào dám bén mảng vào vòng “cấm địa” của nó mà thôi. Ngay cả chúng quen thuộc, trong trường hợp này khi cho nai ăn uống cũng nên đề tạo cảnh giác tối đa nếu không muốn mất mạng hay bị thương tật khi đã ghen thì nai đực giống trở nên hung hăng đến mức dễ sợ. Nó thà chết chứ không muốn một ai lại gần con cái.
Trong thời gian phối giống, cả nai đực và nai cái đếu chểnh mảng việc ăn uống. Vì vậy, sau thời gian này chúng gầy tọp đi, và thường thay lông luôn. Thời gian nai thay lông thường kéo dài hai tháng và sau thời gian đó, chúng mới ăn uống mập mạnh trở lại.
Tóm lại, nuôi trại là nuôi tập thể tốt hơn nuôi chuồng. Tốt nhất, nai có cơ hội vận động thể xác, được tắm ánh nắng mặt trời, sưởi ấm da lông. Người nuôi thì đỡ công chăm sóc và vệ sinh chuồng trại. Nhưng điều cũng cần bàn đến là lập một cái trại nuôi chừng mười cặp nai không phải là ít tốn kém ! Mặt khác, điều đáng nói là tìm kiếm cho được một mặt bằng thích hợp cũng không phải là chuyện dễ dàng gì…
⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT CHĂN NUÔI HƯƠU SAO thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.