Việc bố trí mặt bằng trước hết là bố trí ô chuồng và đường đi lại.
a. Ô chuồng
Theo yêu cầu diện tích đã nói ở trên có thể bố trí: 2m x 2m; 2m x 3m; 2,5m x 2,5m; 3m x 3m… tuỳ vào từng con đực hay cái và khả năng của cơ sở chăn nuôi, mỗi ô chuồng ít nhất một cửa để cho hươu và người chăm sóc qua lại. Kích thước cửa: rộng từ 0,5 – 0,6m, cao từ 1,2 – 1,5m.
b. Đường đi lại (hành lang)
Đường đi lại trong chuồng có thể tính từ giọt mái vào đến róng chuồng. Trong các chuồng kiên cố, nuôi nhiều con, đường đi lại được bố trí cẩn thận. Hành lang phải đảm bảo các yêu cầu cho người đi lại chăm sóc dễ dàng; rộng từ 0,6 – 0,8m là vừa. Trong các chuồng chăn nuôi hươu tập thể có thể rộng hơn, đủ để xe vận chuyển thức ăn đi lại dễ dàng. Khi bố trí rãnh thoát nước, phân trên đường vận chuyển thì kích thước phải được cộng thêm từ 0,2 – 0,3m (cho chuồng một dãy) hoặc 0,5 – 0,6m cho chuồng hai dãy (đường đi ở giữa).
c. Kho để thức ăn
Trong chuồng nên bố trí kho để thức ăn thô như cành lá cây… và chỗ để thức ăn tinh để chủ động cho ăn hàng ngày. Kho để thức ăn nên xa tầm với của hươu vì dể gây cho hươu bị bội thực do ăn quá nhiều.
d. Rãnh thoát nước phân
Nên bố trí dọc theo hành lang (nếu là chuồng nhiều ô) hoặc bố trí ngoài ô chuồng, kích thước từ 0,25 – 0,3m, sâu từ 0,1- 0,15m.
Trên cơ sở một kiểu chuồng, một ý định về kích thước, đường đi, một diện tích để chứa thức ăn… chúng ta chỉ việc ghép lại là được một mặt bằng. Sau đây là một số mặt bằng thông dụng cho hộ gia đình tham khảo.
1. Loại chuồng 1 ô: Thường dùng cho hộ gia đình nuôi 1 con (đực hoặc cái); bố trí hành lang đi lại phía trước chuồng.
2. Loại chuồng 2 ô: Thường dùng nuôi 2 con, loại này thích hợp với các hộ gia đình. Khi ghép 2 ô chuồng lại, chúng ta tiết kiệm được một bức róng. Lưu ý thêm ở đây có thể có 3 cửa chuồng: 2 cửa cho 2 ô và 1 cửa cho các ô thông nhau, hành lang nên bố trí phía trước.
3. Kiểu chuồng 3 ô: Bố trí cho 3 ô nối liền nhau, hành lang đi trước, có 2 cửa thông giữa 3 ô với nhau.
4. Kiểu chuồng 4 ô: Có 2 cách bố trí.
– Kiểu hành lang trước: 4 ô liền nhau thành một dãy dài có cửa thông nhau và mỗi ô có một cửa thông ra hành lang.
– Kiểu hành lang giữa: 4 ô ở 4 góc, 1 hành lang chạy giữa theo hướng từ trước ra sau. Với cách bố trí này, mọi việc gọn gàng hơn, người chăm sóc làm việc tốt hơn, 2 ô chuông có 1 cửa thông nhau và mỗi ô chuồng có 1 cửa hướng ra hành lang. Kiểu chuồng này được áp dụng khá phổ biến ở những gia đình nuôi 4 con.
5. Kiểu chuồng nhiều ô: Đối với các cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn, có thể làm kiểu chuồng nhiều ô để tiết kiệm vật liệu xây dựng, giảm chi phí đầu tư. Kiểu chuồng nhiều ô được xây dựng theo cách ghép ô như đã trình bày ở trên: ghép liên tục với hành lang ngoài và ghép tách nhau từng đôi một với hành lang giữa.
Đường dẫn phụ: Trong cách ghép đó người ta có thể tạo thêm đường dẫn phụ để hướng dẫn hươu sinh hoạt theo yêu cầu của người nuôi. Khi số lượng hươu tăng lên thì đường dẫn phụ giúp việc chăn nuôi và quản lý hươu có hiệu quả và thuận lợi.
Sân chơi: rất cần thiết, bởi vì chúng là thú hoang dã, ưa vận động. Quá trình vận động sẽ giúp cho hươu phát triển bình thường, chúng sẽ ăn khỏe, tiêu hóa tốt, đặc biệt hươu không bị mắc bệnh đau mắt… Ngoài ra, chúng còn được sưởi nắng hàng ngày. Điều này cũng tránh được một số bệnh ngoài da do ngoại ký sinh gây nên. Trong giai đoạn mang thai, việc vận động, đi lại là cần thiết, giúp cho thai nhi phát triển bình thường, đẻ dễ dàng.
Bố trí sân chơi và phơi nắng cho hươu sao
Diện tích sân chơi lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào diện tích và điều kiện kinh tế của người nuôi. Tốt nhất, bình quân khoảng 50m2 /con. Hàng rào sân chơi phải chắc chắn, nên dùng lưới B40. Khi có gió, mưa to nên lùa chúng vào chuồng nhằm đảm bảo an toàn.
Trong sân chơi có thể tạo ra các bể tắm, với sườn dốc thoai thoải, độ sâu 40 – 50cm và có đá liếm để bổ sung các nguyên tố vi lượng. Trong khu sân chơi và quanh hàng rào nên có các cây có tán lá rộng để những trưa nắng, hươu có thể nằm nhai lại. Những nơi khu chuồng có sân chơi, vào những ngày nóng bức, nhất là những nơi có gió nóng tây nam, hươu thích ở ngoài khu sân chơi hơn vào chuồng. Mặt khác, sương, gió nhiều khi rất có lợi cho cuộc sống của chúng.
⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT CHĂN NUÔI HƯƠU SAO thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.