Trang trại nuôi cá sấu

Giới thiệu đặc điểm sinh học của cá sấu cho bà con chăn nuôi

1. Hình thái cấu tạo bên ngoài
Cá sấu có tên khoa học (Crocodilia) thuộc bộ bò sát ở nước. Đa số các loài có chiều dài từ 2-5m, có con tới 6m (những con đực già). Cơ thể cá sấu có hình thuôn dài, đầu dẹt bằng, mõm dài; răng hình nón cong vào phía trong; đuôi rất khoẻ, dẹt bên hình bơi chèo; chân to ngắn, có màng bơi giữa các ngón, đầu các ngón chân có móng sừng giúp cho con vật không bị trơn trượt khi di chuyển trên cạn. Mắt nằm ở vị trí rất cao trên đỉnh mõm, lỗ mũi và lỗ tai có van chắn nước thuận tiện cho việc bơi lội dưới nước. Lưỡi dày bất động. Toàn thân được bao bọc bởi một lớp da dày. Dưới tấm da lưng có các bản da dày tạo thành vỏ giáp, phần trên lưng và đuôi có các vảy sừng nhô cao.
2. Nhiệt độ cơ thể
Cá sấu cũng giống như nhiều loài bò sát khác, nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, vì thế chúng được xếp vào nhóm động vật máu lạnh. Nhiệt độ môi trường thích hợp cho cá sấu từ 28-32°C. Khi muốn cho thân nhiệt tăng chúng thường nằm phơi mình dưới ánh nắng mặt trời, lúc đó da trên toàn thân hấp thụ năng lượng từ ánh nắng mặt trời, kết hợp với bên trong cơ thể, tim đập nhanh và mạnh để đưa lượng máu tiếp xúc với toàn bộ bề mặt da nhằm tăng khả năng hấp thu nhiệt cho cơ thể giúp cho quá trình tiêu hoá thức ăn được tốt hơn. Ngược lại, khi nhiệt độ môi trường tăng quá cao, cá sấu thường nằm ẩn mình dưới các bóng râm hoặc ngâm mình trong nước mát để giảm thân nhiệt (Grigg và Alclip 1976).
Cá sấu không có tuyến mồ hôi nên không thể chịu được môi trường có nhiệt độ quá nóng, vì thế trong khu chăn nuôi trên phần sân chơi nhất thiết phải trồng nhiều cây tạo bóng mát trong mùa nóng; dưới ao phải luôn luôn có đủ nước để tạo môi trường mát cho cá ngâm mình. Ngược lại trong thời gian mùa đông khi nhiệt độ môi trường dưới 20°C cá sấu thường ít hoạt động, kém ăn mồi vì ở mức nhiệt độ này các men tiêu hoá trong cơ thể không hoạt động. Nếu nhiệt độ môi trường ở mức dưới 15,6°C cá sấu sẽ bỏ ăn hoàn toàn, dưới 7,2°C chúng rơi vào tình trạng hôn mê, mất thăng bằng, không có khả năng di chuyển bình thường dẫn đến chết chìm trong nước. Vì thế khi nuôi cá sấu ở các địa phương có mùa đông lạnh nhất thiết phải bố trí chống rét cho chúng bằng cách che kín gió kết hợp các biện pháp tăng nhiệt hoặc bố trí hầm trú đông.

Trang trại cá sấu
Trang trại cá sấu Vĩnh Long

3. Cơ quan hô hấp và tuần hoàn
Cá sấu thở bàng phổi, cơ thể có hai lá phổi lớn cấu tạo khá hoàn chỉnh. Để thích nghi với điều kiện sống ở tầng mặt nước hai lỗ mũi nằm ở đỉnh hàm trên của mõm, đảm bảo cho cá sấu chỉ cần đưa đầu mũi lên khỏi mặt nước đã có thể hít thở không khí bình thường. Hai lỗ mũi thông với hốc mũi nằm sâu trong họng, cuối hốc mũi có một van chắn nước có thể tự nâng lên hoặc hạ xuống, hệ thống này tách rời xoang miệng với thanh quản giúp cho cá sấu có thể bắt mồi ngay dưới nước mà nước vẫn không vào xoang khí quản.
Tim cá sấu đã có vách ngăn đầy đủ như ở động vật có vú. Nhờ có vách ngăn này máu tĩnh mạch nửa phải và máu động mạch nửa trái tâm thất được tách rời nhau, không bị pha trộn. Những lúc bị rượt đuổi hoặc cần lẩn tránh kẻ thù cá sấu thường lặn sâu dưới đáy nước, lúc này chúng có khả năng ngừng thở khoảng từ 30 đến 50 phút, đó là do có sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn đã sử dụng triệt để lượng ôxygen trong máu để duy trì sự sống. Nhưng nếu vì một lí do nào đó cá sấu bị mắc kẹt dưới nước quá lâu chúng cũng sẽ bị chết ngạt.
4. Dinh dưỡng và sinh trưởng
Thức ăn của cá sấu là động vật, chúng không có khả năng tiêu hoá những thức ăn có nguồn gốc từ thực vật. Hệ thống tiêu hoá có cấu tạo rất phù hợp với việc săn bắt mồi trong tự nhiên. Hàm khoẻ, có lực khép vào rất mạnh (400kg/cm2) thích hợp cho việc bắt và giữ mồi (Toby, 1996). Trên mồi hàm có từ 32-34 răng gắn sâu vào xương hàm và có dạng hình nón hơi bẻ cong vào phía trong. Khi bị gãy, răng mới sẽ được tái sinh sau thời gian ngắn (từ 7-10 ngày). Tuy hàm cá sấu không nhai được nhưng do có nhiều răng sắc nhọn giúp chúng có thể giữ, cắt con mồi thành những mẩu nhỏ và nuốt. Khi gặp những cỡ mồi lớn chúng có phản xạ lắc mạnh đầu hoặc xoắn cơ thể làm cho miếng mồi tự đứt để dễ nuốt. Đôi khi gặp phải những mồi quá lớn chúng đành phải cùng nhau chia sẻ. Dạ dày đã phân hoá có vách cơ dày, khoẻ, kết hợp với hệ thống men tiêu hoá tốt nên quá trình tiêu hoá diễn ra khá nhanh so với những loài bò sát khác (khoảng 72 giờ. Theo Pooley và Gans 1976).
Trong tự nhiên thức ăn của chúng gồm rất nhiều loại từ côn trùng, ếch nhái, chim, cá, thú nhỏ, thậm chí cả những con thú lớn. Chúng ăn cả những động vật sống và động vật đã chết. Khi nuôi nhốt người ta tận dụng tất cả những loại sản phẩm thừa làm thức ăn cho chúng như: tôm cá chết, gia cầm và các loại động vật thải loại của các trại chăn nuôi, phụ phẩm của các lò mổ, v.v. Khả năng ăn mồi của chúng rất lớn, từ 5-25% khối lượng cơ thể/tuần lễ. Ngược lại, trong những trường hợp do khan hiếm thức ăn hoặc trong mùa lạnh, cá sấu có khả năng nhịn đói từ 1-3 tháng. Trong thời gian này cá sấu ngừng sinh trưởng, nếu để tình trạng này kéo dài chúng sẽ bị gầy yếu và giảm khả năng vị giác đối với thức ăn.
Mức độ sinh trưởng của cá sấu chậm so với nhiều loài động vật khác và phụ thuộc rất nhiều vào thức ăn. Những cá sấu sống hoang dã trong tự nhiên do thường xuyên thiếu thức ăn nên tốc độ sinh trưởng rất chậm và thành thục sinh dục muộn. Khi nuôi nhốt trong các trang trại do được con người cung cấp đầy đủ thức ăn, chúng sinh trưởng nhanh và sớm có khả năng tham gia sinh sản (tăng trưởng trung bình đạt 15-20 cm, 8-12 kg/con/năm).
5. Các cơ quan cảm giác, khứu giác, thính giác
Qua mổ giải phẫu người ta đã xác định được não cá sấu tuy có kích thước nhỏ giống như não của nhiều loài bò sát khác, nhưng phát triển đầy đủ hơn vì thế chúng có nhiều khả năng nhận biết về mùi vị, âm thanh cũng như thính giác rất tốt.
Cuối cuống họng của cá sấu có 2 tuyến xạ hương cùng với 2 tuyến khác ở phía trong lỗ huyệt. Khi trưởng thành, đến mùa sinh sản các tuyến này thường hoạt động rất mạnh, nhờ nó mà cá đực và cá cái có thể nhận biết nhau dễ dàng để tìm bạn tình.
Hai lỗ tai nhỏ ở ngay sau hai bên mắt và được bảo vệ bằng một nắp che nước, khả năng nghe âm thanh của chúng rất tốt thông qua các biểu hiện như: nhận biết được hiệu lệnh khi cho ăn, biết được tiếng kêu tìm bạn tình của những con trưởng thành ở mùa sinh sản; cá sấu bố mẹ nghe được tiếng kêu của cá sấu con khi sắp nở để kịp thời đến hỗ trợ, hoặc tiếng kêu cứu của đồng loại khi bị kẻ thù tấn công v.v.
Hai mắt cá sấu nằm ở hai bên trán nên chúng có góc nhìn lớn cả về chiều thẳng và chiều ngang. Đặc biệt có mí mắt thứ ba trong suốt đảm bảo cho mắt không bị khô khi ở trên cạn và khi lặn sâu dưới nước vẫn có khả năng nhìn được để bắt mồi. Khả năng điều tiết của mắt cá sấu rất tốt, chúng nhìn rõ cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban đêm khi chiếu đèn, mắt chúng có phản xạ hướng quang khi nhìn thấy màu đỏ nhạt.
Theo Bellais (1971) cho biết cá sấu còn có những cơ quan cảm giác khác như: ở lưỡi có những gai thịt vị giác và gai xúc giác ở hàm, dưới răng còn có những cơ quan cảm giác về áp suất nước.
6. Khả năng sinh sản
Cá sấu thuộc loài động vật sống lâu, vòng đời từ 60-70 năm. Tuổi thành thục lần đầu phụ thuộc vào điều kiện nuôi dưỡng và đặc điểm của mỗi loài, thường từ 6-11 năm và có khả năng sinh sản đến cuối đời. Ví dụ: Cá sấu cái sông Nile châu Phi (Crocodilus niloticus) sống hoang dã, đẻ lứa đầu ở tuổi 10-11 năm, cá sấu Caiman Nam Mỹ (Caiman crocodilus) sống hoang dã đẻ trứng lần đầu vào khoảng 9-10 tuổi (Jounen và Mc Nease,1975, 1982); cá sấu nước ngọt Cuba (Crocodilus rhombifer) nuôi nhốt tại Guamá, Matanzat (Cuba) đẻ trứng ở tuổi 6 năm, khi nhập khẩu về nuôi tại tỉnh Thái Nguyên (Việt Nam) chúng đẻ trứng ở 7 năm tuổi; cá sấu nước ngọt Việt Nam (Crocodilus siamensis) nuôi nhốt tại tỉnh Ninh Bình đẻ trứng ở tuổi 7 năm và khi nuôi tại tỉnh Cà Mau đẻ trứng ở tuổi 6 năm. Những loài cá sấu có kích thước nhỏ thường có tuổi thành thục sớm hơn loài có kích thước lớn.
Cá sấu nuôi nhốt trong các trang trại do được cung cấp đầy đủ thức ăn thường sinh trưởng nhanh và có khả năng thành thục sớm hơn cá sấu sống hoang dã.
Chúng ta có thể nhận biết giới tính của cá sấu thông qua việc so sánh sự khác nhau của hình dạng bên ngoài ở những con cùng lứa tuổi như: Cá sấu cái đầu nhỏ, mõm ngắn, vảy thưa, tốc độ sinh trưởng chậm, trong khi đó cá đực thường đầu to, mõm dài, lớn nhanh hơn, nhưng nhìn chung phương pháp này không hoàn toàn chính xác. Để đảm bảo tính chắc chắn trong việc lập sổ theo dõi, khi lựa chọn cá bố (mẹ) đưa vào nuôi sinh sản, ta nên dùng tay kiểm tra giới tính từng con qua lỗ huyệt và tiến hành đánh dấu cá thể.
Đa số các loài cá sấu đẻ trứng một lần trong năm, mùa giao phối từ tháng 2 đến tháng 4 và đẻ trứng từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7. Lứa đầu tiên đẻ từ 15 – 20 quả, từ lứa thứ hai trở đi tăng dần và ổn định ở mức từ 35 – 40 quả/con/năm.
Trong tự nhiên cá sấu cái thường lựa chọn những nơi cao ráo gần mép nước, đất tơi xốp hoặc có nhiều lá cây khô để bới tổ đẻ trứng. Sau khi đẻ xong chúng tự vùi đất kín ổ trứng và nằm canh giữ đến khi trứng nở.
Thời gian ấp trứng kéo dài từ 11 đến 13 tuần (78 – 90 ngày). Nhiệt độ thích hợp đối với quá trình ấp từ 31°C đến 32°C. Trong tự nhiên, suốt thời gian ấp trứng cá sấu mẹ không đi kiếm mồi mà nằm ngay bên cạnh để canh giữ. Đến thời kì sắp nở khi nghe tiếng kêu của cá sấu con, cá mẹ sẽ bới đất hỗ trợ, mang cá sấu con đến nơi có nguồn nước.
Cá sấu mẹ có bản năng chăm sóc đàn cá sấu con trong vài tuần lễ đầu, sau đó những cá sấu con tự tách khỏi đàn để sống cuộc đời tự lập.
7. Hệ thống phân loại và phân bố tự nhiên trên thế giới
Theo ý kiến của các nhà phân loại học, các loài cá sấu hiện nay là nhóm cuối cùng của cá sấu cổ đại, gồm 15 họ và 100 chi, đa số đã bị tuyệt chủng vào đầu đại Tân Sinh. Bộ cá sấu còn đến hiện nay gồm 3 họ:
1. Họ cá sấu mõm dài, hay còn gọi cá sấu Sông Hằng, điển hình Gavialidae. Họ này có một loài (Gavialis gangeticus) phân bố tự nhiên ở Sông Hằng thuộc Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Pakistan.
2. Họ cá sấu mõm ngắn, hay cá sấu Mỹ, họ này gồm có 4 chi là: Alligator, Caiman, Melanosuchus, Palaeosuchus. Gồm 7 loài đa số chúng sống ở Nam Mỹ, vùng Amazon và Trung Quốc.
3. Họ cá sấu thực sự hay cá sấu đúng nghĩa (Crocodylidae) gồm có 14 loài, chúng phân bố ở hầu khắp các vùng nhiệt đới, trong đó có cá sấu sông Nin (C.ninoticus) dài tới 7m, phân bố ở châu Phi.
– Trung và Nam Mỹ có loài: Crocodylus acutus, Crocodylus rhombifer, Crocodddenayi intermedius, Crocodylus moreletii.
– Tây và Trung Phi có các loài: Crocodylus cataphractus, Osteolaemus tetraspis và Crocodylus niloticus.
– Bắc Australia có loài: Crocodylus johnsoni.
– Châu Á Thái Bình Dương có 6 loài:
+ Cá sấu Philippines (Crocodylus midorensis) sống ở Philippines.
+ Cá sấu New Guinea (Crocodylus novaeguineae) sống ở Papua New Guinea, Irian Jaya.
+ Cá sấu đầm lầy hoặc cá sấu Ấn Độ (Crocodylus palustris) sống ở Pakistan, Nepal, Iran, Ấn Độ.
+ Cá sấu nước mặn hoặc cá sấu cửa sông (Crocodylus porosus), sống ở Ấn Độ, từ phía đông nam bờ biển châu Á đến phía bắc Việt Nam, Australia.
– Cá sấu Thái Lan, cá sấu Xiêm (Crocodylus siamensis) sống ở Đông nam Châu Á, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam.
– Tomistoma schlegelli sống ở Malay Peninsula.

♥♥♥ ⇒⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT NUÔI CÁ SÂU  để vững tin hơn trong quá trình chăn nuôi của mình thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.

NUT_DOW

Bà con có thể để lại ý kiến thắc mắc của mình tại đây