Mô hình nuôi cá rô đồng

Kỹ thuật cho cá rô đồng ăn

Cá rô đồng như quí vị đã biết là loại phàm ăn, chúng thường kéo nhau từng đàn lớn đi lùng sục khắp mọi ngóc ngách trong ao hồ để tìm kiếm thức ăn cho no bụng. Vì vậy, chúng có thể bơi đi tìm mồi cả ngày lẫn đêm, trừ lúc thời tiết không thuận lợi như mưa bão. Bằng chứng là ban đêm nếu đốt đuốc đi soi hoặc cắm câu ta vẫn ‘thu hoạch’ được cá rô dồng với số lượng nhiều.

Khi nuôi trong ao hồ, cá rô đồng được cho ăn thức ăn nhân tạo là chính, và ăn theo bữa.

Nuôi bằng thức ăn nhân tạo, với cá rô con thì dễ tập, nhưng với loại cá rô trưởng thành mới bắt về nuôi, mấy ngày đầu chúng thà chịu đói vì chê mồi lạ không ăn.

Mô hình nuôi cá rô đồng
Mô hình nuôi cá rô đồng

Cũng như nhiều loài chim thú khác được bắt từ môi trường hoang dã về, cá rô đồng không chịu ăn ngay loại thức ăn có mùi vị lạ mà chủ nuôi cung cấp cho chúng. Ngay cả nước uống cũng vậy.

Vì vậy, khẩu phần ăn của cá rô mới bắt từ dồng ruộng về, thời gian đầu ta nên cho chúng ăn thức ăn quen thuộc hằng ngày của chúng như cá con, tôm tép, bo bo, rận nước, lăng quăng, rong tảo… Dần dần, ta mới cho chúng ăn thức ăn nhân tạo có hàm lượng đạm động vật nhiều hơn. Khi cá đã ăn quen mồi mới, từ từ ta mới tăng nguồn đạm thực vật trong thức ăn với tỷ lệ cao hơn…

Với cá nuôi, ta nên cho ăn theo bữa. Mỗi ngày cho ăn từ hai đến ba bữa: Sáng – Chiều hoặc Sáng – Chiều – Tối

Điều cần là nên cho cá ăn đúng giờ, vào giờ nào thì cho ăn bữa ấy để tập cho cá có thói quen hễ đến bữa thì bụng đã cồn cào, và tự động kéo nhau đến bãi ăn để ăn thỏa thích…

Cách cho ăn

Với cá rô con, ta đặt thức ăn vào sàng (tràng) rồi thòng dây thả sàng xuống nước cho cá vào sàng ăn. Tùy vào số lượng cá nuôi trong ao nhiều ít ra sao mà sắm đủ sàng cho tất cả cá con trong hồ được ăn no đủ.

Sàng có thể là cái nia phơi lúa, hay cái mẹt lớn, hoặc vật đan bằng tre nứa, chung quanh có lận vành như vành rổ rá để thức ăn cho cá đổ vào bên trong không thể lọt ra ngoài được.

Thức ăn nuôi cá rô con trong thời gian mấy tuần tuổi đầu thường là thức ăn công nghiệp như Cataco, Procon co… Sau đó, tập cho chúng ăn dần với thức ăn chế biến.

Và cũng như cá rô lớn, ta không nên thay đổi thức ăn một cách đột ngột, mà phải tập cho chúng quen dần với mùi vị thức ăn mới, bằng cách lúc đầu trộn vào thức ăn cũ một tỷ lệ nhỏ thức ăn mới, rồi sau đó tỷ lệ này cứ từng bước tăng dần lên.

Còn với cá rô lớn, tới bữa, thức ăn được rải xuống các bãi ăn tại các góc ao để cá tựu lại đó mà ăn mồi. Hễ bữa trước rải mồi vào địa điểm nào thì bữa kế tiếp vẫn theo chỗ đó mà cho cá ăn. Chỉ cần cho ăn như thế một hai ngày, cá nuôi sẽ quen dần nên hễ tới bữa là tự động tìm đến bãi ăn.

Khẩu phần ăn của cá rô đồng

Trên lý thuyết thì khẩu phần ăn của cá rô đồng bằng 5 phần trăm trọng lượng thân cá.

Ví dụ: trong hồ ước lượng nuôi 100 kí cá thì thức ăn là 5 kí.

Thế nhưng, thực tế có thể không như vậy. Tốt nhất sau mỗi bữa ăn của cá, ta nên thường xuyên

kiểm tra xem thức ăn của cá còn hết ra sao, để tùy đó mà thêm hay bớt lượng thức ăn vào những bữa ăn sau.

Điều cần là không nên để cho cá nuôi bị ăn đói, mà cũng nên tránh để thức ăn còn dư thừa, vì sẽ làm ô nhiễm môi trường nước ao nuôi, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cá.

Nếu thấy cần thiết, khoảng 8 giờ tối mỗi ngày, ta cho cá ăn thêm bữa ăn bổ sung, giúp chúng tăng trưởng nhanh hơn.

Ngoài thức ăn chế biến ta còn cho cá rô đồng ăn thêm loại thức ăn phụ là phân chuồng hoai hoặc tươi.

Phân chuồng chỉ nên đổ xuống một góc ao để cá tập trung lại một chỗ mà ăn, chứ không nên đổ rải khắp bề mặt ao, khiến nước ao bị ô nhiễm.

Xin được lưu ý là trước khi thu hoạch cá một vài tuần, ta nên ngưng cho cá rô ăn phân chuồng, mà chỉ cho chúng ăn thức ăn chế biến mà thôi.

♥♥♥ ⇒⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG  để vững tin hơn trên con đường chăn nuôi tôm của mình thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.

NUT_DOW

Bà con có thể để lại ý kiến thắc mắc của mình tại đây