Mùa động dục và sinh sản của hươu sao thay đổi tùy theo từng vùng khí hậu sinh thái và điều kiện chăm sóc. Thời kỳ sinh sản của hươu sao thường bắt đầu vào màu hạ và kéo dài đến cuối mùa đông. Mạnh nhất từ tháng 8 đến cuối tháng 10. Mùa phối giống, hươu đực kém ăn hơn bình thường. Nó kêu nhiều hơn, giọng khàn khàn, hung dữ, đi lại nhiều, mắt thường vằn đỏ, hay hướng cặp sừng ra phía trước và thích cọ sừng vào thân cây, mô đất hoặc thành chuồng… Dịch hoàn phát triển mạnh, dương vật thường có dịch và mùi đặc trưng để hấp dẫn con cái. Do giao phối nhiều lần nên phần đầu bao dương vật luôn ẩm ướt… Sau thời gian phối giống, khối lượng của hươu đực giảm đi từ 10 – 20%. Trong thời gian này, không nên nhốt chung các con đực với nhau và người chăn nuôi phải thận trọng, cần bồi dưỡng cho hươu đực các loại thức ăn giàu đạm, khoáng và giàu sinh tố.
Hươu cái sau một năm tuổi sẽ bước sang giai đoạn thành thục. Khi động dục, mép âm hộ sưng đỏ, thường có dịch chảy ra. Đầu thời kỳ động dục, niêm dịch của chúng trong suốt. Giữa thời kỳ động dục, niêm dịch đặc hơn và chảy ra ngoài âm hộ. Âm hộ con cái thường sưng đỏ, mấp máy. Nó biếng ăn, thích nằm, thích được vuốt ve và thích gần con đực.
Mùa hươu cái động dục từ tháng 6 đến tháng 9, cá biệt kéo dài đến tháng 11 và 12. Thời gian động dục của con cái từ 1 – 3 ngày, trung bình khoảng 28 giờ. Đây là thời điểm phân phối thuận lợi và đạt kết quả thụ thai cao nhất. Sau lần động dục đầu tiên, nếu không được giao phối nó sẽ tiếp tục động dục trở lại sau khoảng 18-20 ngày.
Thời gian mang thai của hươu sao trung bình là 7 tháng rưỡi, khoảng 219 ngày. Nếu thai đực thì thường sinh muộn hơn. Con so thì thời gian mang thai dài hơn con dạ. Khi hươu cái mang thai đến 6 tháng 15 ngày hoặc 7 tháng thì bầu sữa bắt đầu sa dần. Bầu vú căng lên và đẩy về phía trước. Núm vú màu hồng đỏ.
Hươu sao thường đẻ vào chiều tối hoặc ban đêm.
Miền Bắc có chênh lệch cao về khí hậu, hai mùa nóng ẩm và lạnh giá. Hươu sao chỉ có mùa sinh đẻ từ tháng 2 đến tháng 8, tập trung vào tháng 2 tới tháng 5. Nhưng khi được nuôi dưỡng ở miền Nam, nơi có nhiệt độ cao hơn với 2 mùa khô và mưa rõ rệt thì thời gian sinh sản có thể muộn hơn và tập trung vào tháng 8, tháng 9, cuối mùa mưa, đâu mùa khô.
Những ngày trước khi đẻ: hươu mẹ ít hoạt động hơn, thường nằm tách biệt với đàn. Biểu hiện bên ngoài dễ thấy như bụng to, sa xuống, âm hộ sưng mọng, quan sát sườn phải thấy thai cựa và mẹ đôi khi có thái độ hoảng hốt.
Khi chuẩn bị đẻ, hươu sao cái đi lại nhiều 6 – 7 tiếng, thậm chí có con đi liên tục tới 24 tiếng. Khi chuyển dạ đẻ, hươu sao thường kêu 2 – 3 tiếng, ăn ít, mệt mỏi và ngơ ngác.
Hươu có động tác đẻ như trâu, bò. Trước khi sinh con hươu sao cong đuôi, nằm hay đứng rặn đẻ. Khi rặn, bọc ối trông như chiếc bong bóng, màu trắng đục. Hươu mẹ ngoảnh lại, liếm và cắn màng ối vỡ. Sau khi vỡ màng ối từ 5-10 phút có thể quan sát thấy 2 chân trước của hươu con ra trước, rồi đến mõm đầu, ngực, bụng và 2 chân sau. Hươu sao con ra theo chiều lưng bụng là đẻ thuận. Sau khi đẻ từ 20 phút đến 3 giờ thi nhau sẽ bong ra hết (trung bình 80 phút), khối lượng 350 – 450 gam. Nhau có hình một tấm băng với chiều rộng từ 4 – 5 cm, dài 15 cm, gắn với màng ối màu hồng sẫm. Hươu sao mẹ dùng răng cắn đứt dây rốn và liếm mình con non cho khô sạch. Trong tự nhiên, hươu mẹ ăn nhau và liếm sạch mọi vết máu hoặc chất nhầy rơi vãi trên nền ổ đẻ. Tiếp đó hươu sao sơ sinh tìm đến bú sữa mẹ.
Tỷ lệ sinh đôi ở hươu sao rất hiếm gặp. Tất cả các trường hợp sinh đôi, con non thường chết yếu do không đủ tháng và nhẹ cân (1,2 – 2,2 kg). Tỷ lệ hươu sơ sinh đực, cái là 1,45% ở nước ta, ở Liên Xô (cũ) tỷ lệ này khoảng 1,5%.
⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT CHĂN NUÔI HƯƠU SAO thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.