1. Giống
Các giống khác nhau có phẩm chất tinh dịch khác nhau. Lợn đực nội có phẩm chất tinh dịch thấp hơn nhiều so với giống lợn ngoại. Thể tích tinh dịch của các giống lợn nội thường biến động từ 50 – 200 ml, mật độ tinh trùng 1,5 – 10 tỷ. Các giống lợn ngoại tương ứng là: 150 – 300 ml/ lần xuất, C=170 – 1500 triệu, 16 – 90 tỷ và gấp 9 – 10 lần so với các giống lợn nội.
2. Tuổi của lợn đực
Tuổi của lợn đực có ảnh hưởng rõ rệt tới phẩm chất tinh dịch. Lợn đực giống 7 – 10 năm tuổi, hoạt động sinh dục của chúng bị giảm, mất phản xạ tinh dục và phẩm chất tinh dịch rất kém. Lợn đực già, tinh hoàn nhỏ lại, quá trình tạo tinh trùng chậm trễ, 4 chân yếu, con vật không muốn giao phối. Tình trạng này càng tiến triển nhanh khi sử dụng quá sức, thức ăn kém và nuôi dưỡng không hợp lý. Giai đoạn có phẩm chất tinh dịch tốt nhất là 12 – 30 tháng tuổi đối với các giống lợn nội và 2 – 3 năm tuổi đối với các giống lợn ngoại. Vì vậy ở các cơ sở nhân giống lợn, người ta chỉ sử dụng lợn đực không quá 2 năm để phát huy và khai thác chất lượng tinh tốt khi lợn đang ở thời kỳ sung sức. Ở các cơ sở chăn nuôi thương phẩm và các vùng nuôi lợn nái sinh sản để sản xuất lợn con nuôi thịt, hiện nay một số nơi vẫn còn sử dụng lợn đực giống quá già (lớn hơn 6 – 7 năm tuổi) để phối hoặc thụ tinh nhân tạo là một sai lầm về kỹ thuật, gây ra nhiều tổn thất cho sản xuất chăn nuôi lợn.
3. Điều kiện nuôi dưỡng lợn giống
Nhất là tiêu chuẩn ăn và tỷ lệ đạm trong khẩu phần có ảnh hưởng trực tiếp đến phẩm chất tinh dịch. Khẩu phần ăn phải có 120 – 130g protein tiêu hóa/ ĐVTA. Nếu tỷ lệ protein <100g/ ĐVTA thì lượng số tinh trùng xuất ít (50 – 60ml), mật độ tinh trùng loãng: 20 – 25 triệu/ ml. Theo Lê Đức Hảo (1966); Nguyễn Tấn Anh, (1960); Lê Quang Phiệt, (1970); AV. Trekavova, (1978), lợn đực ăn không đủ nhu cầu dinh dưỡng sẽ có hiện tượng miễn cưỡng phối giống, tinh dịch không có thể tinh trùng, hoặc tỷ lệ tinh trùng kị hình cao. Thiếu các chất khoáng (Ca, P, Na) hay thiếu các sinh tố (A, E) đều làm tăng tỷ lệ tinh trùng kị hình tuyến sinh dục bị teo và con vật mất phản xạ sinh dục. Trái lại khi cho ăn quá mức nhất là quá thừa năng lượng, lợn đực trở nên quá béo, phát sinh loạn dưỡng mỡ, con vật ể oải, nằm lỳ. Trong trường hợp này cần điều chỉnh tiêu chuẩn khẩu phần ăn cho thích hợp, đồng thời sử dụng hợp lý lợn đực giống mới có thể phục hồi chức năng sinh dục.
4. Các yếu tố thời tiết, khí hậu
Thời tiết khí hậu và các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng có ảnh hưởng rõ rệt đến phẩm chất tinh dịch. Những tháng nóng phẩm chất tinh dịch kém hơn những tháng mát. Nghiên cứu của Nguyễn Tấn Anh (1971) cho thấy vào mùa đông từ tháng 12, 1,2 tổng số tinh trùng/ lần xuất của lợn Landrace nuôi tại Hà Nội đạt tương ứng là 55,4; 39,1 và 40,7 tỷ trong đó đạt 27,3 – 28,7 tỷ tương ứng các tháng thứ 8, 9; đặc biệt tháng nóng nhất tháng 6 và 7 số tinh trùng giảm xuống còn có 16,2 – 20,6 tỷ. Theo J. Signorel (1868) đã chứng minh rằng nhiệt độ trung bình 17 – 18°C thuận lợi cho quá trình sinh tinh hơn là 25°C. Tỷ lệ thụ tinh cũng tăng lên ở những lợn nái được thụ tinh với tinh dịch thu từ những con lợn đực nuôi ở nhiệt độ < 20°C. Thời gian chiếu sáng trong ngày cũng ảnh hưởng đáng kể, nhất là khi kết hợp với nhiệt độ cao. Mazzri (1968) nhận thấy lợn đực nuôi ở 15°C nếu thời gian chiếu sáng 10h/ngày thì lượng tinh xuất 200ml, số tinh trùng là 67,7 tỷ/lần xuất. Nếu chiếu sáng 16h/ngày thì lượng tinh xuất tăng lên 339 ml, nhưng số tinh trùng xuất chỉ 47,8 tỷ (tức nồng độ tinh trùng loãng hơn). Nếu nuôi ở nhiệt độ 35°C, thời gian chiếu sáng 16h/ngày sẽ gây tác hại xấu đến phẩm chất tinh dịch hơn nữa. Vì vậy cần phải căn cứ vào độ dài chiếu sáng trong ngày của các mùa trong năm mà điều chỉnh thời gian chiếu sáng để không kéo dài quá 10h/ ngày.
Chuyển lợn đực giống từ vùng này sang vùng khác: Khí hậu từ vùng này sang vùng khác có chênh lệch đáng kể về nhiệt độ, độ ẩm, áp lực khí quyển, thời gian chiếu sáng và thành phần thức ăn… thì lợn đực có thể tạm thời mất hoạt động sinh sản, chỉ sau khi gia súc quen dần môi trường sinh sống mới thì hoạt động sinh dục của chúng mới trở lại bình thường (V.l.Andrivski, 1971). Tính tình một số lợn đực giống Yorkshire nhập từ Nhật vào khu vực thành phố Hồ Chí Minh có tinh dịch loãng và chất lượng tinh trùng không tốt (Châu Châu Hoàng, 2002). Một số lợn đực giống Móng cái đưa vào Nghệ An trong thời gian có gió Tây Nam (gió Lào) thì khả năng thụ tinh kém (Nguyễn Tấn Anh, 1997)…đã chứng minh điều đó.
5. Trạng thái sức khỏe của lợn đực giống
Trạng thái sức khỏe có ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất tinh dịch của lợn đực giống (Leman và Rodeffer, 1976). Khi lợn đực giống bị ốm hay sức khỏe yếu, chúng không muốn nhảy giá hay khả năng phóng tinh kém, chất lượng tinh giảm. Do vậy lợn đực giống nên được kiểm tra và theo dõi sức khỏe thương xuyên để có chế độ phối giống thích hợp.
6. Chế độ sử dụng
Lợn đực giống sử dụng quá nhiều dẫn đến kiệt quệ và chất lượng tinh kém. Trái lại, khi sử dụng ít quá, lợn có cơ hội tích lũy các chất dinh dưỡng dưới dạng mỡ, gây nên hiện tượng béo và tích mỡ dưới da, dẫn tới phản xạ kém và chất lượng tinh kém. Do vậy, sử dụng lợn đực giống nên đúng và thích hợp với từng cá thể.
⇑⇒⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT CHĂN NUÔI GIA SÚC TOÀN TẬP để vững tin hơn trong quá trình chăn nuôi của mình thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.