1. Những đặc điểm của cá sấu con mới nở
Trung bình cá sấu khi mới nở có chiều dài từ 19-21 cm, khối lượng 90-100 gam, nhìn cơ thể đã có hình dáng gần giống với cá sấu trưởng thành nhưng phần bụng to vì bên trong còn chứa một ít noãn hoàng chưa tiêu hết. Tuy lúc này cá sấu đã đi lại được nhưng khả năng vận động kiếm mồi cũng như tự vệ còn kém, chúng rất cần sự yên tĩnh và ấm, nhiệt độ thích hợp từ 33,4 – 33,8°C. Những cá sấu nở đúng thời hạn sẽ có sức khoẻ tốt, phần bụng căng đều, ở vị trí rốn có một vết sẹo nhỏ. Những con nở sớm do sự phát triển chưa đầy đủ của lớp da bụng nên ở vị trí rốn thường có một khe hở, qua đó chúng ta có thể nhìn thấy khối noãn hoàng bên trong. Đây là nơi vi khuẩn dễ xâm nhập, vì thế tuyệt đối không cho cá sấu mới nở tiếp xúc ngay với nguồn nước bẩn.
2. Điều kiện chuồng nuôi cá sấu con
– Xác định vị trí chuồng nuôi:
Chọn nơi thoáng mát, có thời gian chiếu sáng nhiều giờ trong ngày, tránh hướng gió lạnh mùa đông, không có tiếng động mạnh, sẵn nguồn nước sạch để thay rửa hàng ngày. Phải có hệ thống thoát nước thải rửa chuồng, tránh ô nhiễm môi trường.
– Cấu tạo chuồng nuôi:
Mỗi ô chuồng nên bố trí diện tích từ 5-6m2, kích thước 2 x 3m cao 2m), xung quanh phía dưới có tường gạch xây cao 0,6-0,8 m, phần trên tường và trên nóc quây bằng lưới dày đảm bảokhông cho các loài địch hại như mèo, chim ác, chuột hoặc rắn vào bắt và ăn thịt cá sấu con.
Đáy chuồng nuôi cấu tạo gồm hai phần:
+ Sân chơi chiếm 60% diện tích ô chuồng, có thể láng xi măng một phần sát mép nước, phần còn lại trồng cỏ, phía trên mái che phên thưa để giảm bớt ánh nắng.
+ Bể chứa chiếm 40% diện tích, đáy dốc 10% để phù hợp với điều kiện sống của cá và tiện cho việc tháo nước làm vệ sinh hàng ngày. Bên trong bể chứa nước sạch, mức nước sâu từ 10-20 cm, nên láng xi măng tạo thành bờ thoải xung quanh để cá con dễ lên xuống.
3. Mật độ thả
Để tiện cho việc theo dõi mức độ ăn uống và tình trạng sức khoẻ của từng con, mật độ thả từ 8-10 con/m2 (mỗi ô chuồng 5-6m2 không nên thả quá 50 con). Nên thả cá sấu có cùng thời gian nở vào chung một chuồng để tránh cắn nhau lúc tranh ăn.
4. Yêu cầu nhiệt độ
Nên duy trì nhiệt độ ở mức 33-34°C trong vòng 1 tháng đầu, sau đó giảm xuống 31-32°C. Ban ngày có thể kết hợp cho cá sấu con tắm nắng nhẹ nhưng ban đêm phải che kín và dùng bóng điện hỗ trợ nhiệt.
Đối với cá sấu con ấp nở tại một số tỉnh phía Bắc, sau khi nở được 2 tháng là gặp ngay mùa đông lạnh vì thế công tác chống rét cho chúng phải được quan tâm nhiều hơn.
5. Điều kiện dinh dưỡng
Khi mới nở, trong cơ thể cá con còn một lượng noãn hoàng chưa tiêu hết, việc cho ăn sẽ được tiến hành từ ngày thứ 5 trở đi. Mỗi ngày cho cá ăn một lần vào lúc 9-10 giờ sáng. Thức ăn là thịt, cá, phổi, gan (trâu, bò, lợn), cắt nhỏ vừa cỡ miệng và đặt vào trong các khay nhựa hoặc tôn sạch, số lượng thức ăn cung cấp lúc đầu bằng 12-15 % khối lượng cơ thể/tuần.
Lưu ý: Trong quá trình cho ăn cần theo dõi sát để nắm được lượng thức ăn thực tế cá sấu đã ăn, trên cơ sở đó điều chỉnh lại mức cho ăn hợp lý ở ngày hôm sau; không nên để tình trạng thừa hoặc thiếu thức ăn; không cho cá ăn thức ăn ôi thiu.
6. Vệ sinh phòng bệnh và phân lại đàn
Sau khi cho cá ăn 1,5-2 giờ phải dọn sạch lượng thức ăn thừa và phân do chúng thải ra, thay nước mới. Trong quá trình nuôi cần luôn luôn theo dõi, quan sát tình trạng sức khoẻ từng con, khi phát hiện thấy dấu hiệu những con yếu nên kịp thời bắt và nhốt riêng vào nơi khác để chăm sóc.
Do cá sấu có đặc điểm sinh trưởng trội, không đồng đều, trong đàn sẽ có một số con lớn nhanh hơn, khi ăn mồi thường xảy ra hiện tượng con lớn cắn con nhỏ nên sau hai tháng nuôi phải tiến hành chọn, sắp xếp lại cho đồng đều kích cỡ trong một ô chuồng.
Từ tháng thứ sáu 6 trở đi, do cá đã lớn hơn nên ta cần phải san thưa hơn, mật độ thả thích hợp lúc này từ 6-8 con/m2.
♥♥♥ ⇒⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT NUÔI CÁ SÂU để vững tin hơn trong quá trình chăn nuôi của mình thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.