Lợn là gia súc dạ dày đơn. Cấu tạo bộ máy tiêu hoá của lợn bao gồm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và cuối cùng là hậu môn. Khả năng tiêu hóa của lợn với các loại thức ăn cao thường có tỷ lệ từ 80-85% tùy từng loại thức ăn.
1. Quá trình tiêu hoá
– Miệng: thức ăn ở miệng được cắt nghiền nhỏ bởi động tác nhai và thức ăn trộn với nước bọt làm trơn để được nuốt trôi xuống dạ dày. Nước bọt chứa phần lớn là nước (tới 99%) trong đó chứa enzym amylase có tác dụng tiêu hoá tinh bột, tuy nhiên thức ăn trôi xuống dạ dày rất nhanh nên việc tiêu hoá tinh bột xảy ra nhanh ở miệng, thực quản và tiếp tục ở dạ dày khi thức ăn chưa trộn với dịch dạ dày. Độ pH của nước bọt khoảng 7,3.
– Dạ dày: Dạ dày của lợn trưởng thành có dung tích khoảng 8 lít, chức năng như là nơi dự trữ và tiêu hoá thức ăn. Thành dạ dày tiết ra dịch dạ dày chứa chủ yếu là nước với enzym pepsin và axit chlohydric (HCl). Men pepsin chỉ hoạt động trong môi trường axit và dịch dạ dày có độ pH khoảng 2,0. Pepsin giúp tiêu hoá protein và sản phẩm là polypeptit và ít axit amin.
– Ruột non: Ruột non có độ dài khoảng 18 – 20 mét. Thức ăn sau khi được tiêu hoá ở dạ dày chuyển xuống ruột non được trộn với dịch tiết ra từ tá tràng, gan và tụy – thức ăn chủ yếu được tiêu hoá và hấp thụ ở ruột non với sự có mặt của mật và dịch tuyến tụy. Mật được tiết ra từ gan chứa ở các túi mật và đổ vào tá tràng bằng ống dẫn mật giúp cho việc tiêu hoá mỡ. Tuyến tụy tiết dịch tụy có chứa men trypsin giúp cho việc tiều hoá protein, men lipase giúp cho tiêu hoá mỡ và men diastase giúp tiêu hoá carbohydrate. Ngoài ra ở phần dưới của ruột non còn tiết ra các men maltase, saccharose và lactase để tiêu hoá carbohydrate. Ruột non cũng là nơi hấp thụ các chất dinh dưỡng đã tiêu hoá được, nhờ hệ thống lông nhung trên bề mặt ruột non mà bề mặt tiếp xúc và hấp thu chất dinh dưỡng tăng lên đáng kể.
– Ruột già: Ruột già chỉ tiết chất nhầy không chứa men tiêu hoá. Chỉ ở manh tràng có sự hoạt động của vi sinh vật giúp tiêu hoá carbohydrate, tạo ra các axit béo bay hơi, đồng thời vi sinh vật cũng tạo ra các vitamin K , B. . .
2. Cơ chế tiêu hoá thức ăn ở lợn
Tiêu hoá thức ăn ở lợn là quá trình làm nhỏ các chất hữu cơ trong đường tiêu hoá như protein, carbohydrate, mỡ để cơ thể có thể hấp thu được. Tiêu hoá có thể diễn ra theo các quá trình: (1) Quá trình cơ học: Nhai nuốt hoặc sự co bóp của cơ trong đường tiêu hoá để nghiền nhỏ thức ăn; (2) Quá trình hoá học: là quá trình tiêu hoá nhờ các men tiết ra từ các tuyến trong đường tiêu hoá ; (3) Quá trình vi sinh vật: Là quá trình tiêu hoá nhờ bacteria và protozoa.
3. Khả năng tiêu hoá
Trong quá trình tiêu hoá và hấp thụ thức ăn, một phần thức ăn ăn vào nhưng không được hấp thu làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá. Hiệu quả tiêu hoá ở lợn phụ thuộc vào một số yếu tố như tuổi, thể trạng và trạng thái sinh lý, thành phần thức ăn, lượng thức ăn cung cấp, cách chế biến thức ăn. Lợn rất khó tiêu hoá xơ vì vậy lượng xơ trong khẩu phần cần hạn chế.
♥♥♥ ⇒⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT NUÔI TẤT CẢ CÁC LOẠI GIA CẦM để vững tin hơn trong quá trình chăn nuôi của mình thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.