1. Tìm hiểu tóm tắt về loài nhím
Nhím bờm có tên khoa học là Acanthion subcristatum (swinhoc). Là một loài vật gặm nhấm, sống hoang dã. Tại nước ta, chúng sống dọc theo các vùng đồi núi và trung du, rừng rậm, nặng trung bình từ 13-15kg, thân và đuôi dài từ 80-90cm. Hình dáng nặng nề, mình tròn đầu to, mõm ngắn có 4 răng cửa dẹp và rất sắc thường ngủ ngày và ăn đêm..
Bình quân một con Nhím một năm đẻ được 2 lứa, mỗi lứa ít nhất một con, đa số đẻ từ 2 đến 3 con, nhiều nhất là 4 con. Một cặp Nhím giống có giá từ 12 đến 13 triệu đồng.
Hiện nay ở Việt Nam, thịt Nhím đã hiếm vì Nhím trong thiên nhiên bị săn bắt khá nhiều.
2. Giá trị dinh dưỡng của thịt nhím
Thịt Nhím hơi giống thịt lợn rừng, nhiều nạc, ít mỡ, là món ăn đặc sản vừa thơm ngon vừa có giá trị dinh dưỡng cao của dân đại gia. Bao tử Nhím là loại dược liệu quí dùng để ngâm rượu thuốc chữa bệnh đau bao tử, kích thích ăn uống, tiêu hóa tốt. Lông Nhím dùng làm đồ trang sức, chữa viêm tai giữa, đau răng. Mật Nhím dùng chữa đau mắt, đau lưng và xoa bóp chấn thương. Thịt, ruột già, gan và cả phân Nhím dùng chữa bệnh phong nhiệt.
“Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trần cho biết, dạ dày Nhím vị ngọt, tính hàn, không độc; được sử dụng làm thuốc chữa bệnh dạ dày ở người. Theo Gíao sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, dạ dày Nhím còn có thể giải độc, mát máu, chữa lòi dom, di mộng tinh, nôn mửa, kiết lỵ ra máu… Người Trung Quốc rất coi trọng những công dụng này và thường xuyên tìm mua dạ dày Nhím.
Theo “Cây cỏ và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, da Nhím được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là thích vị bì. Lông Nhím là hào trư mao thích. Dạ dày Nhím là hào trư đỗ.
3. Kỹ thuật xây dựng chuồng nuôi nhím
Chuồng nuôi nhím nên làm nửa sáng nửa tối, không cần ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt và nắng nóng, bảo đảm khô sạch, thoáng mát. Nền và sân chuồng làm bằng bê tông dày 8-10cm, nghiêng khoảng 3-4%, để thoát nước và để nhím không đào hang chui ra… Xung quanh khu chuồng rào bằng lưới thép B40, cao trên 1,5m.
Nên làm hang giả cho nhím ở bằng loại ống cống phi 50-60cm hoặc tôn uốn cong, để nổi trên nền chuồng để vệ sinh, sát trùng…
Máng uống rộng khoảng 20-25cm, cao 20-25cm, để nhím không ỉa đái vào và xây máng ở ngoài sân để nước vung vãi ra không làm bẩn, ướt nền chuồng.
Trong chuồng nên để một vài khúc gỗ, sắt hoặc đá liếm để nhím mài răng và không cắn phá chuồng.
Diện tích chuồng nuôi nhím không cần rộng lắm, trung bình 1m2/con.
4. Khẩu phần thức ăn của nhím
Thức ăn của nhím rất đa dạng như: dễ cây, mầm cây, rau, củ, quả ngọt bùi, đắng, chát…
Bình thường nhím ăn 2kg thức ăn/con/ngày. Nhưng khi nhím đẻ cần bổ sung thêm thức ăn tinh nhiều chất đạm, chất béo, chất bột, đường… để nhím con mau lớn, nhím mẹ đỡ mất sức, vì vừa phải tiết sữa nuôi con vừa mang thai. Thức ăn cho nhím cần bổ sung thêm mầm, rễ cây các loại, nhím đực sẽ phối giống hăng hơn.
Khẩu phân thức ăn cơ bản hàng ngày cho mỗi con nhím theo từng giai đoạn:
– 1-3 tháng tuổi: Cho ăn mỗi con/ngày: 0,3kg rau, củ, quả các loại, 0,01kg cám viên hỗn hợp, 0,01kg lúa, bắp, đậu các loại.
– Từ 4-6 tháng tuổi: 0,6kg rau quả củ, 0,02kg cám viên hỗn hợp, 0,02kg lúa bắp đậu, 0,01kg khô dầu, dừa, lạc.
– Từ 7-9 tháng tuổi: 1,2kg rau quả củ, 0,04kg cám viên hỗn hợp, 0,04kg lúa bắp đậu, 0,02kg khô dầu dừa lạc.
– Từ 10-12 tháng tuổi: 2kg rau quả củ, 0,08kg cám viên hỗn hợp, 0,08kg lúa bắp đậu, 0,04kg khô dầu dừa lạc.
5. Khẩu phần nước uống
Nhím ăn rau, quả, củ nên ít uống nước, nhưng cũng phải có đủ nước sạch cho nhím uống tự do, trung bình 1 lít/5 con/ngày.
Nhím thường uống nước vào buổi sáng và buổi trưa. Nhím không thích tắm ướt mình, nếu bị ướt nhím sẽ rùng mình và vẩy lông liên tục sẽ không tốt.
6. Kỹ thuật phòng bệnh cho nhím
Nhím thường ít bị dịch bệnh. Một số bệnh thông thường có thể gặp như:
– Bệnh ký sinh trùng ngoài da: Do ve, mò cắn gây nên ghẻ lở, ta có thể dùng thuốc bôi hoặc để nhím tự liếm cũng khỏi. Để phòng bệnh này, nên vệ sinh sát trùng chuồng và xung quanh chuồng mỗi tháng 1-2 lần.
– Bệnh đường ruột: Do khẩu phần thức ăn cung cấp không đầy đủ như ngoài thiên nhiên, nhím có thể bị tiêu chảy. Trường hợp này, có thể dùng thuốc trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn đắng chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa… Để phòng bệnh tiêu chảy, nên cân đối khẩu phần thức ăn đầy đủ cho nhím. Không nên cho nhím ăn các loại thức ăn bẩn thỉu, ẩm mốc, hôi thối…
♥♥♥ ⇒⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT NUÔI NHÍM THƯƠNG PHẨM để tiến tới những bước thành công trong con đường chăn nuôi nhím của mình thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.