1. Giá thức ăn gia súc cao, chất lượng thức ăn chưa được kiểm soát
So với các nước trong khu vực và thế giới thì giá thức ăn ở nước ta rất cao và thường xuyên biến động, điều này đã tác động bất lợi cho phát triển chăn nuôi lợn ở nước ta trong những năm qua. Nhìn chung giá thức ăn gần đây có giảm nhưng vẫn cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giá thức ăn cao là một yếu tố quan trọng dẫn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi lợn cao và lợi nhuận chăn nuôi thấp. Chất lượng thức ăn do các nhà máy chế biến thức ăn gia súc sản xuất có chất lượng rất khác nhau và chưa kiểm soát được. Nhiều xí nghiệp sản xuất thức ăn gia súc chưa tuân thủ đúng qui định đã ban hành của Bộ Nông Nghiệp và PTNT. Nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn đang còn thiếu, chi phí vận chuyển cao.
2. Năng suất chăn nuôi lợn còn thấp
Mặc dù thu nhập từ chăn nuôi lợn chiếm 49,7% trong chăn nuôi nhưng người dân chỉ dành 10% thời gian lao động nông nghiệp cho hoạt động ngành chăn nuôi lợn. Năng suất lao động chăn nuôi cao hơn 25% so với các hoạt động sản xuất khác trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, lợn tăng trọng còn chậm, trọng lượng xuất chuồng chưa cao, thời gian nuôi dài, chi phí cao. Ở các trại chăn nuôi tập trung đang còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cả thị trường tiêu thụ sản phẩm…
3. Hệ thống giống lợn chưa hình thành
Hệ thống giống lợn hình tháp: Cụ kỵ – Ông bà – Bố mẹ trong thực tế mới được quan tâm khoảng 2 năm gần đây. Tình trạng một số giống vật nuôi tốt lại biến thành vật nuôi thương phẩm; vật nuôi thương phẩm trong các trại tư nhân lại biến thành con giống. Điều này đã làm giảm chất lượng đàn lợn ở thế hệ sau.
4. Tình trạng thiếu nghiêm trọng các nguyên liệu dùng làm thức ăn cho lợn
Trong 10 năm qua, hàng năm chúng ta nhập từ bên ngoài khoảng 30-40% nguyên liệu như ngô, 80% khô dầu đậu tương, 50% bột cá và các thức ăn bổ sung có nguồn gốc từ Vitamin – Khoáng và enzyme, axit amin tổng hợp. Theo dự báo của Bộ NN & PHTNT đến 2005 nhu cầu thức ăn tinh cho chăn nuôi là 10 triệu tấn, trong khi đó ta chỉ sản xuất được 7,6 triệu tấn và cần nhập 2,4 triệu tấn hàng năm. Đến 2010 nhu cầu thức ăn tinh sẽ tăng lên 1,6 lần và cần 16-17 triệu tấn trong mỗi một năm, trong khi đó ta chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu.
5. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn vẫn còn gặp nhiều khó khăn
Nhu cầu tiêu thụ thịt, trứng và sữa trong nước vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của nhân dân tăng lên. Song giữa người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm vật nuôi vẫn còn có khoảng cách như thiếu thông tin và độ tin cậy. Người chăn nuôi phải bán sản phẩm với giá thấp cho người trung gian, người tiêu thụ lại phải mua với giá cao hơn. Chênh lệch này người giết mổ hay buôn bán thịt lợn được hưởng lợi. Trong khi đó thị trường nước ngoài ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt nhất là sau năm 2006 khi Hiệp định AFTA có hiệu lực hoàn toàn, người chăn nuôi cần phải được cung cấp thông tin đầy đủ, tổ chức theo hệ thống từ khâu con giống đến giết mổ và đưa ra thị trường phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng tốt mới đủ sức cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi lợn của các nước trong khu vực. Đặc biệt, sản phẩm chăn nuôi lợn muốn xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Mỹ và Nhật, vấn đề an toàn thực phẩm cũng là điều đáng quan tâm của những người chăn nuôi lợn và người quản lý.
6. Mối đe dọa nghiêm trọng từ dịch bệnh đến chăn nuôi lợn
Nước ta là một nước nhiệt đới, nơi xuất phát của nhiều dịch bệnh có tính chất khu vực như các bệnh truyền nhiễm: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, phó thương hàn, hội chứng bệnh tiêu chảy, hô hấp và sinh sản. Dịch tả lợn vẫn gây rủi ro rất lớn đến đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, nếu đàn lợn không được tiêm phòng nghiêm ngặt. Chính phủ đã có quyết định số 166 và 167 và thông tư qui định ngày 26/10/2001, trong đó hỗ trợ các loại vắc xin chủ yếu tránh các bệnh dịch nhưng việc triển khai không đồng bộ, hệ thống dịch vụ thú y kém nên việc phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn vẫn chưa có hiệu quả cao.
7. Hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế thế giới
Thuận lợi và thách thức. Hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế thế giới (WTO) sẽ tạo cơ hội thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn nước ta phát triển do thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, có sự trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu và kỹ thuật chăn nuôi lợn. Tuy vậy, đây cũng là thách thức lớn đối với nước ta bởi vì trình độ công nghệ và điểm xuất phát của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Ma-lay-xi-a.v.v…Theo cam kết, đến hết năm 2006 nước ta phải mở thị trường chăn nuôi, lúc đó mức thuế nhập khẩu thịt lợn chỉ còn tối đa 5%. Rõ ràng nếu như chúng ta không hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi lợn trong những năm tới thị trường nội địa về thịt lợn cũng sẽ bị thu hẹp bởi sức ép của chất lượng sản phẩm thịt lợn từ nước ngoài vào Việt Nam.
⇑⇒⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT CHĂN NUÔI GIA SÚC TOÀN TẬP để vững tin hơn trong quá trình chăn nuôi của mình thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.