Trang trại nuôi cá sấu

Kỹ thuật nuôi cá sấu sinh sản hiệu quả

1. Những đặc điểm của cá sấu sinh sản

Qua nghiên cứu đặc điểm sinh sản của cá sấu hoang dã nhiều năm người ta nhận thấy: đến tuổi trưởng thành khi cá sấu đã cảm nhận thoả mãn được các điều kiện môi trường như nhiệt độ, ẩm độ, lượng mưa, độ dài của ngày và tỷ lệ đực cái trong khu vực sống, não thuỳ của cá tạo ra nhiều hooc môn lưu thông trong máu. Những hooc môn này kích thích cơ quan sinh dục giải phóng kích dục tố để sản xuất tinh trùng và trứng phục vụ cho sinh sản.

Những biểu hiện sinh học trong mùa sinh sản gồm: Tự phân chia lãnh địa trong vùng sống, chọn bạn tình, phô trương thânthế trước khi hôn phối, giao phối, xác định vị trí bới tổ, đẻ trứng và canh giữ suốt thời gian phôi phát triển.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đàn cá sấu sinh sản được tốt, chúng ta cần chuẩn bị những việc sau:

2.Lựa chọn ao nuôi vỗ cá bố mẹ

*   Chọn phương án và vị trí xây dựng ao nuôi:

Có nhiều cách bố trí ao nuôi cá sấu sinh sản như nuôi trong bể xây hoặc nuôi ngoài ao đất tự nhiên. Nhưng hiện nay nhiều cơ sở nhận thấy nuôi sinh sản trong ao đất tự nhiên có nhiều thuận tiện hơn.

Chọn nơi yên tĩnh, thoáng mát, có nhiều ánh sáng, không có tiếng động mạnh làm đàn cá sợ hãi, có nguồn nước ổn định, không bị ô nhiễm bởi các loại hoá chất độc hại. Chủ động cấp thoát nước.

*   Điều kiện ao nuôi:

Ao nuôi cá sấu sinh sản cần đáp ứng được các yếu tố cơ bảnsau:

–    Diện tích ao: 500 – 800 m2, với mật độ thả từ 15 – 20 m2/con, có thể nuôi được 35 – 40 cá sấu bố mẹ, không nên thả nhiều hơn 50 con bố mẹ trong một ao vì khi bắt kiểm tra và dọn vệ sinh ao cuối năm sẽ có nhiều vất vả, khó hoàn thành công việc trong một ngày; nếu chuyển sang ngày hôm sau sẽ làm mệt đàn cá đã kiểm tra hôm trước và khó giữ cạn nước trong ao.

Cũng không nên xây dựng ao quá nhỏ vì khi cá sấu phân lãnh thổ hay xảy ra hiện tượng cắn nhau.

–    Xung quanh ao cần có hệ thống hàng rào bảo vệ chắc chắn nhưng thoáng đãng cao 2m để an toàn cho vật nuôi và con người.

–    Phần chứa nước chiếm 50 – 60% diện tích, luôn luôn có nước sạch, mức nước thường xuyên dạt từ 1,5 – 2m để ổn định nhiệt độ trong ngày đêm và thoả mãn nhu cầu cho cá sấu phô trương, hôn phối trong mùa sinh sản. Bờ ao có độ thoải lớn giúp cá lên xuống dễ dàng.

–    Phần đất xung quanh chiếm 40-50 % diện tích, cốt nền cao hơn mực nước trong ao 0,5m đảm bảo không bị ngập khi có mưa lớn. Trên mặt đất nên để cỏ tự nhiên và trồng thêm một số cây cao tạo bóng mát.

*   Bố trí nơi đẻ trứng trong ao nuôi sinh sản:

Chọn vài điểm gần mép nước, cho một số vật liệu như rơm rạ, cỏ khô, lá khô, cát tạo thành những ụ đất cao khoảng 60 cm để cá làm ổ đẻ trứng sau này. Nếu những điều kiện trên không được đáp ứng đầy đủ và đúng lúc, có thể dẫn đến hiện tượng cá mẹ đẻ trứng lộn xộn trên mặt đất và hỏng trứng.

Trang trại nuôi cá sấu
Trang trại nuôi cá sấu

3. Lựa chọn đàn cá bố mẹ thả vào ao

–    Tiêu chuẩn cá bố mẹ: Chọn những cá thể có thân hình đẹp, tráng kiện, đủ tuổi để tham gia sinh sản. Đối với cá sấu nước ngọt Việt Nam (Crocodilus siamensis) chọn khi chúng đã ở tuổi 6 năm trở đi, cơ thể có chiều dài > 183 cm là có thể tham gia sinh sản được. Trước khi thả vào ao cần phải kiểm tra giới tính cá thể, đánh số, cân đo chiều dài và khối lượng.

–    Mật độ: 15-20 m2/ con, tỷ lệ đực/cái =1/3.

–    Thời gian: từ tháng 11 năm trước.

4. Nuôi dưõng cá sinh sản

Đối với cá sinh sản việc chăm sóc không nhất thiết phải tận tụy hàng ngày như cá sấu con và cá thương phẩm. Mỗi tuầncho cá ăn 2 lần với số lượng thức ăn đạt 8-10% khối lượng cá/tuần. Thức ăn ở giai đoạn này không dùng đơn điệu một loại, mà nên kết họp nhiều loại để có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng như: đường, đạm, canxi, vitamin, khoáng v.v. cho nên chúng ta phải cho xen kẽ nhiều loại thức ăn như: cá biển, cá nước ngọt, phế thải của lò mổ, sản phẩm thải loại của các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, v.v. Ngoài ra trong thời gian nuôi vỗ nên bổ sung thêm một lượng nhỏ glucoza và Bcomplex vào thức ăn để tránh tụt đường huyết khi trời lạnh, thức ăn không được ôi thiu.

5. Những biểu hiện sinh học trong mùa sinh sản

Từ tháng 2 trở đi khi thời tiết ấm dần, cá sấu bố mẹ nuôi trong ao đã có những biểu hiện kết đôi, chúng thường bơi thành từng cặp nhiều lần trong ngày, khi lên bờ cũng luôn gần nhau và thường xuyên đến một chỗ nhất định. Biểu hiện này càng rõ rệt vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3. Trong thời gian này một số con đực hay có những biểu hiện cắn nhau quyết liệt để giành bạn tình hoặc tranh giành lãnh thổ. Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 đàn cá bắt đầu giao phối. Trong suốt thời gian giao phối cá gần như không ăn mồi mà có những biểu hiện phô trương khả năng như phát tiếng kêu gầm gừ hoặc rung đuôi để tạo thành các sóng nước… Từ cuối tháng 5 có một số con đã xác định được vị trí đẻ trứng của mình và nằm canh tại chỗ.

Mùa vụ đẻ trứng từ tháng 6-7 hàng năm, trước khi đẻ trứng chúng thường bới tổ trước 2-3 ngày. Quá trình ấp trứng kéo dài 78-85 ngày, suốt trong thời gian ấp trứng cá mẹ luôn luôn nằm cạnh ổ trứng để canh chừng không cho con khác vào gần.

6. Kĩ thuật ấp trứng

*   Nhận biết về trứng cá sấu:

Kích cỡ trứng cá sấu tuỳ thuộc vào từng loài nhưng trung bình có chiều dài từ 7-8 cm, trọng lượng 70-90 g/quả, hình thuôn hai đầu như nhau, cấu tạo: ngoài cùng là lớp vỏ can xicứng, bên trong vỏ can xi có màng mỏng, không có khí khổng, lòng đỏ màu nhạt, không đậm màu như trứng gia cầm.

Khi mới đẻ xong vỏ trứng có màu trắng đục, nếu là trứng đã được thụ tinh ở giữa vỏ có một vệt sáng khoảng 0,6-0,7cm bao quanh, lúc này phôi đã phân cắt được 24 tế bào. Sau 24 giờ do phôi phát triển hơn nên vệt trắng lớn dần, càng về sau vệt sáng này càng phát triển.

*   Cách thu trứng đưa về ấp:

–    Thời gian đi thu trứng: Thu trứng nên tiến hành vào buổi sáng, ngay sau khi cá đẻ (trong vòng 24 giờ). Lúc này phôi bên trong tuy đang phát triển nhưng mầm phôi chưa định vị vào vỏ trứng, cầm lên không ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển phôi bên trong.

Nếu vì một lí do nào đó công tác thu nhặt trứng không thể tiến hành được ngay tính từ khi đẻ cần phải chờ sau 21 ngày (vì lúc này các màng phôi đã bám chắc vào vỏ trứng) mới thu.

*   Những chú ý khi đi thu trứng:

–    Công tác giữ an toàn cho con người: Do cá sấu là loài động vật có bản năng hoang dã, tính bảo vệ ổ trứng rất cao nhất là ngay sau khi đẻ, vì thế khi đi thu trứng cá sấu nhất thiết phải có người canh chừng, đuổi cá mẹ ra xa khu vực ổ trứng.

–    Kỹ thuật thu trứng: Bới hết lớp đất trên mặt ổ, khi nhìn rõ toàn bộ số trứng người thu dùng bút dạ đánh dấu phần quay lên trên và ghi ngày đẻ vào vỏ trứng.

Nhặt từng quả đưa vào dụng cụ đúng như tư thế khi trứng nằm trong ổ, nếu đảo chiều sẽ làm ảnh hưởng màng treo phôi bên trong.

*   Kỹ thuật ấp trứng cá sấu:

Hiện nay có nhiều cách ấp như ấp ổ đất ngoài tự nhiên, ấp trong thùng tôn để ngoài vườn có điều chỉnh nhiệt độ hoặc ấp trong phòng có điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ v.v.

Điều kiện thích hợp cho quá trình ấp: nhiệt độ 30-32°C, ẩm độ 90-100%. Suốt quá trình ấp không nên đảo lộn vị trí và di chuyển vì ảnh hưởng đến quá trình phát triển phôi bên trong.

Kiểm tra sự phát triển của phôi cần được tiến hành sau khi ấp được 21 ngày để loại bỏ các quả hỏng do không được thụ tinh hoặc chết phôi. Dụng cụ kiểm tra đơn giản là dùng đèn soi giống như soi trứng gà. Tuỳ thuộc vào điều kiện và đặc điểm của từng nơi, nếu thoả mãn các điều kiện trong quá trình ấp, thông thường sau 78-85 ngày trứng sẽ nở thành cá sấu con.

Nếu ấp bằng ổ đất ngoài trời cần có biển ghi rõ thời gian để biết ngày trứng nở và chú ý không để nước mưa trực tiếp xối vào ổ ấp, không để úng nước, không cho địch hại như chuột, rắn, kiến, chim trời ăn trứng hoặc cá con. Khi sắp đến thời gian trứng nở cần kiểm tra xem xét để hỗ trợ những con yếu và thu hoạch cá con tránh để chúng vượt ra ngoài khu vực ấp.

Nếu ấp trứng bằng máy đặt trong nhà có điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ, trước khi xếp trứng vào khay cần phải làm vệ sinh từng quả bằng nước sạch, dùng bút dạ ghi rõ ngày đẻ để theo dõi ngày cá nở. Có một số trứng tuy đã dến ngày nở nhưng vẫn chưa hoàn tất cần phải để thêm vài ngày nữa.

Cá sấu con khi mới nở tuy nhìn bề ngoài đã giống cá sấu trưởng thành nhưng sức còn yếu và khả năng vận chuyển còn chậm chạp, chúng ta nên cho tiếp xúc với môi trường nước sạch và giữ ấm ở nhiệt độ 33-34°C trong vòng 30 ngày.

Trong quá trình phát triển phôi của cá sấu, tỷ lệ đực, cái phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường ấp, vì thế hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phương pháp chủ động điều chỉnh nhiệt độ trong phòng ấp để tạo ra nhiều con đực hoặc nhiều con cái, phục vụ cho việc nuôi cá thương phẩm hoặc cá sinh sản.

♥♥♥ ⇒⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT NUÔI CÁ SÂU  để vững tin hơn trong quá trình chăn nuôi của mình thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.

NUT_DOW

Bà con có thể để lại ý kiến thắc mắc của mình tại đây