cá chẽm

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam

cá chẽm

NTTS là một trong những nghề sử dụng tài nguyên thiên nhiên là đất và nước, luôn gắn bó với môi trường sinh thái. Vì vậy, NTTS cần phải tăng năng suất, nâng cao sản lượng, giá trị tiêu thụ lại vừa phát triển một cách bền vững, lâu dài. Việc sử dụng CPSH probiotic để xử lý nước môi trường nuôi trồng thuỷ sản là một phương án  tối ưu đang được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, phương pháp sử dụng CPSH trong NTTS như thế nào cũng là vấn đề cần thảo luận.

CPSH được sử dụng có tác dụng điều chỉnh hệ vi sinh vật thuỷ sinh theo hướng hạn chế các vi sinh vật gây bệnh, tăng cường sự phân huỷ các chất hữu cơ do thức ăn thừa, do vật nuôi bài tiết, do xác động thực vật chết thối rữa… để cải thiện môi trường, đồng thời làm tăng cường khả năng miễn dịch của vật nuôi đối với vi sinh vật gây bệnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng các CPSH trong nuôi trồng thuỷ sản sẽ hạn chế sử dụng hoá chất, thuốc kháng sinh, yếu tố gây ra hậu quả của việc nuôi trồng thuỷ sản kém bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu thuỷ sản của nước ta tiến bước vào thị trường nước ngoài một cách thuận lợi mà không gặp phải rào cản nào.

Hiện nay có hàng trăm loại CPSH được sử dụng bao gồm chế phẩm trộn vào thức ăn và chế phẩm xử lý nước. Các CPSH này chủ yếu do các công ty cung cấp, phân phối, đại lý cho nước ngoài hay sử dụng công nghệ của nước ngoài để sản xuất phân phối tại Việt Nam. Bởi vậy, dù có nhiều công ty tham gia chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật đến người nuôi thì trước hết vì mục đích thương mại để có thể thu càng nhiều lợi nhuận càng tốt chứ không phải vì quyền lợi của người sử dụng. Chưa kể đến tác dụng của chế phẩm ra sao bởi vì những chế phẩm ngoại nhập hay chủng vi sinh vật từ nước ngoài đưa vào Việt Nam có phù hợp với điều kiện của Việt Nam hay không thì việc đưa một lượng đáng kể chủng vi sinh vật vào Việt Nam cũng là một mối nguy  hiểm tiềm tàng, xét về khía cạnh an toàn sinh học.

Nghề nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh. Bệnh tôm ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng và chất lượng sản phẩm. Virus và vi khuẩn Vibrio là hai tác nhân gây bệnh nguy hại nhất đối với nghề nuôi trồng thuỷ sản. Các ao hồ nuôi tôm thâm canh có môi trường nước nuôi rất phú dưỡng do việc sử dụng quá nhiều thức ăn tổng hợp giàu protein (30 – 40%), 92% hàm lượng các chất hữu cơ chứa nitơ ô nhiễm trong các ao hồ nuôi có nguồn gốc từ thức ăn. Qua tính toán thì chỉ có 17% thức ăn được đồng hoá thành sinh khối của tôm, 18% thức ăn hoà vào nước, 48% do bài tiết, do lột xác hoặc hoạt động sống và 20% ở phân. Như vậy, môi trường nước nuôi tôm dần bị ô nhiễm, khiến cho dịch bệnh có cơ hội phát triển. Để hạn chế dịch bệnh, người nuôi tôm phải thường dùng các chất diệt khuẩn, chủ yếu là các chất chlorine và các chất kháng sinh. Các biện pháp hoá học này đều có hậu quả nguy hiểm đối với sức khoẻ của vật nuôi và sức khoẻ của con người khi sử dụng. Đối với chlor và dẫn xuất có thể kết hợp với các chất hữu cơ thành phức chlor hữu cơ rất độc. Việc lạm dụng các chất kháng sinh dẫn đến hiện tượng kháng thuốc của các vi sinh vật gây bệnh và có thể không kiểm soát được các bệnh dịch. Do đó, việc dùng các hoá chất trong chăn nuôi và bảo quản sản phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn đối với các loại thuỷ sản xuất khẩu [10].

Những năm gần đây, để giảm thiểu những bất lợi do sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản, việc nghiên cứu và sử dụng các CPSH để phòng bệnh và cải thiện môi trường trong quá trình nuôi tôm ở  nước ta đang  phát triển mạnh. Theo Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hiện có khoảng trên 200 thương hiệu CPSH và vitamin đang bán trên thị trường nước ta. Đa số các CPSH có nguồn gốc nhập ngoại, giá bán của các loại chế phẩm này khá cao, nên đã gây khó khăn cho người nuôi trồng thủy sản trong việc lựa chọn một sản phẩm vừa đạt chất lượng vừa có giá thành rẻ. Với lý do đó, các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước với sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước đã nghiên cứu thành công một số các CPSH có giá thành tương đối rẻ nhưng chất lượng thì không thua các sản phẩm của nước ngoài. Các nhà khoa học tại Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm EBS2 để bổ sung vào thức ăn trong nuôi trồng thủy sản. EBS2 có vai trò quan trọng như những vitamin kích thích trong quá trình sinh trưởng của các đối tượng nuôi trồng thủy sản. Kết quả thử nghiệm với cua biển cho thấy trong 22 ngày đầu lô cua dùng thức ăn tổng hợp có bổ sung EBS2 đạt tốc độ tăng trưởng 3,5%. Trong khi đó lô không bổ sung EBS2 có tốc độ tăng trưởng là 0,9% và lô dùng thức ăn tự nhiên có tốc độ tăng trưởng là 0,5% (Phòng Hóa sinh biển, 2001).

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phúc, Viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM đã nghiên cứu chế tạo thành công hai CPSH để nuôi tôm. Hai chế phẩm này có tên là Probact dùng để trộn vào thức ăn của tôm, và Ecobact dùng để xử lý môi trường nước trong ao nuôi tôm. Hai CPSH này có tác dụng giảm thiểu vi sinh vật gây bệnh cho tôm, cải thiện chất lượng nước và bùn trong các ao nuôi tôm (góp phần tăng tính miễn dịch cho tôm trong quá trình nuôi). Bước đầu hai chế phẩm này đã được sử dụng thử nghiệm tại một số hộ nông dân ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cho kết quả khá tốt. Tôm ít bị bệnh, tăng trưởng tốt, năng suất thu hoạch tăng từ 30-45% [9].

Ngoài ra, CPSH Biochie bao gồm một số chủng thuộc chi Bacillus (Bacillus subtilis, Bacillus megaterium, Bacillus licheniformis) và Lactobacillus (Lactobacillus acidophilus) cũng được sử dụng rộng rãi ở trong nước, chúng có chức năng phân hủy hợp chất hữu cơ bằng cách tiết ra các enzyme như protease, amylase. Chúng còn có khả năng tổng hợp chất kháng khuẩn làm giảm số lượng vi sinh vật gây bệnh phát triển quá mức như Vibrio, Aeromonas…. Sử dụng CPSH Biochie để xử lý nước nuôi tôm cá có tác dụng làm giảm lượng bùn hữu cơ, giảm chu kỳ thay nước và cải thiện môi trường (tăng oxi hòa tan, giảm COD, BOD). Bên cạnh đó, còn có tác dụng giảm đáng kể tỷ lệ chết, tỷ lệ còi cọc, tăng sản lượng tôm cá và giảm mùi hôi của ngư trường [15a].

Ngoài những Chế phẩm probiotic trên, CPSH BioF có chứa chủng Lactobacillus acidophillus được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản có tác dụng tăng khả năng hấp thụ thức ăn và hạn chế bệnh do Aeromonas, Vibrio… gây ra. Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy khi bổ sung BioF vào thức ăn tôm làm tăng tỷ lệ sống và đặc biệt tăng đáng kể sản lượng tôm trong ao. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã thử nghiệm nuôi tôm giống tại Sơn Thủy, Hà Nội trong các tráng kích thước 3x2x1,5m. Chỉ sau 5 ngày thử nghiệm đã thấy sự khác biệt về chiều dài và trọng lượng của tôm ở tráng có sử dụng chế phẩm so với đối chứng. Tiếp tục theo dõi sau 24 ngày thấy chiều dài trung bình của tôm ở bể thử nghiệm là 1,97 cm, ở lô đối chứng là 1,71 cm. Kết quả bước đầu cho thấy sử dụng BioF để nuôi tôm giống rất hiệu quả, tôm tăng trưởng nhanh, khoẻ, đồng đều [15b].

Viện Sinh học Nhiệt đới được sự hỗ trợ kinh phí của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã thành công trong việc nghiên cứu và sản xuất Chế phẩm probiotic BioII gồm hỗn hợp các vi sinh vật sống và enzyme tiêu hóa dùng trong nuôi trồng thủy sản [4]. Chế phẩm này đã được khảo nghiệm trên ao nuôi tôm sú ở các tỉnh cho kết quả khả quan và được Công ty thuốc thú y và nuôi trồng thủy sản đưa ra thị trường.

Chế phẩm EM được giáo sư Teruo Higa – Nhật Bản phát minh năm 1980, được ứng dụng trong các lĩnh vực nông – ngư nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, chế phẩm EM ở dạng lỏng được nhân giống từ EM gốc của Nhật Bản với mật độ tế bào vi sinh vật có lợi cho nuôi trồng thủy sản thấp (<107 CFU/ml) nên hiệu quả sử dụng không cao. Để góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả chế phẩm EM, nhờ sự hỗ trợ kinh phí của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, phòng Vi sinh ứng dụng – Viện Sinh học Nhiệt đới đã nghiên cứu sản xuất ra chế phẩm VEM (Vietnamese effective microorganisms) sử dụng bổ sung với chế phẩm BioII. Chế phẩm VEM gồm tập hợp các vi sinh vật hữu ích có trong chế phẩm EM. Ngoài ra, còn có thêm một số loài vi khuẩn Bacillus spp. được chọn lọc và vi khuẩn quang dưỡng, không chỉ có tác dụng cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản mà còn cạnh tranh và đối kháng với các loài vi khuẩn gây bệnh tôm – cá. Mật độ tế bào vi khuẩn Bacillus spp. và vi khuẩn quang dưỡng thêm vào tương ứng là 1010 và 107 CFU/ml [4].

Tại Bạc Liêu, nhiều hộ nuôi tôm đã áp dụng phương pháp nuôi có sử dụng chế phẩm vi sinh. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả khá cao, có đến gần 80% số hộ áp dụng mô hình này thu lợi nhuận ổn định. Ưu điểm của mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm vi sinh là tạo nên môi trường sạch, chi phí thấp, tôm phát triển nhanh và hạn chế dịch bệnh, nhất là bệnh đốm trắng, đầu vàng, phân trắng. Theo kết quả khảo sát của Bộ thuỷ sản, về mật độ nuôi tôm 10-20 con/m2 chiếm 60%, trong đó số hộ sử dụng chế phẩm vi sinh đạt hiệu quả gần 80%. Ðối với hai dạng mật độ dưới 10 con/m2 chiếm 11% và dưới 20 con/m2 chiếm 29%, thì những hộ chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh đạt hiệu quả 65-75%. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau cũng đã phối hợp với Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ Cà Mau triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh bằng CPSH EM.ZEO tại xã Tân Hưng Đông – huyện Cái Nước. Nhìn chung, việc áp dụng mô hình nuôi tôm bằng chế phẩm EM.ZEO bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, giữ cho môi trường của ao luôn sạch, tôm khoẻ mạnh mà hoàn toàn không sử dụng các hoá chất độc hại, kháng sinh. Trong suốt quá trình nuôi, tôm phát triển tốt và không bị nhiễm bệnh. Đây là mô hình nuôi tôm công nghiệp mang tính bền vững vì quy trình của dự án sử dụng chủ yếu vi sinh EM.ZEO.

Chế phẩm được bổ sung vào thức ăn, hoà vào nước để làm sạch hoặc giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và xử lý ao đìa tránh được ô nhiễm H2S cùng với NH3, CH4. Chế phẩm probiotic có thể dùng với chế phẩm dưỡng tảo, tạo điều kiện cho vi tảo phát triển, tăng nguồn thức ăn cho tôm cá. Biện pháp dùng CPSH probiotics đang là biện pháp thích hợp và có rất nhiều triển vọng [10].

♥♥♥ ⇒⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT NUÔI THỦY SẢN TOÀN TẬP  để vững tin hơn trên con đường chăn nuôi ong của mình thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.

NUT_DOW

Bà con có thể để lại ý kiến thắc mắc của mình tại đây