Con lợn

Đặc điểm nguồn gốc giống lợn Lang Hồng

1. Nguồn gốc xuất xứ

Lợn Lang Hồng thuộc lớp động vật có vú (Mammalia), bộ guốc chẵn (Artiodacty/a), họ Suidae, chủng Sus, loài Sus domesticus, giống lợn Lang Hồng. Qua sự điều tra của Viện Khảo cổ thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, lợn đã tồn tại một cách liên tục tại miền Bắc nước ta trong khoảng từ 20 – 30 vạn năm cho tới 3000 – 4000 năm trước Công nguyên.

lợn lang hồng

2. Phân bố

Lợn Lang Hồng được phân bố chủ yếu ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang (Hà Bắc cũ), nằm ở khoảng vĩ độ 20,38 – 21,37; kinh độ 105,52 – 107,02. Nhiệt độ lạnh vào các tháng 12, tháng 1 và tháng 2 hàng năm; tháng 2, 3 mưa phùn, ẩm ướt (Trần Đình Miên, 1979).

Nhìn chung, lợn Lang Hồng được nuôi nhiều ở vùng đồng bằng và thung lũng hạ lưu các sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam. Trong các vùng này có nhiều đồi núi, vùng cao nhất cao hơn mặt biển 260 m, vùng thấp nhất cao hơn mặt biển 2 – 4 m. Đất ở các khu này thuộc loại phù sa cũ có xen lẫn đất chiêm trũng và bạc màu; pH của đất từ 4-5; mùn 0,8 – 1,3%; kali 0,285 %. Trên nền đất đai trên xuất hiện một thảm thực vật rất phong phú. Ngoài những loại mộc và những loại lương thực chính của người, còn có nhiều loại cây có thể làm thức ăn xanh cho lợn như rau muống, mùng, rau lấp, khoai, sắn, bèo…

3. Đặc điểm ngoại hình giống lợn Lang Hồng

Lợn Lang Hồng có khoang trắng không ổn định. Lợn Lang Hồng thường có lưng võng, bụng xệ, càng lớn lại càng xệ, càng võng. Vốn là loại lợn hướng mỡ nên càng béo càng di động khó khăn, chân đi cả bàn, vú quét đất. Lợn Lang Hồng có đầu to vừa phải, mõm bé và hơi dài. Tai to, đứng, hơi úp về phía trước, cổ ngắn, lưng dài và rộng tuỳ từng con, lưng võng, có khi võng sâu tạo thành nếp nhăn từ lưng đến bụng. Bụng to và võng. Lợn có chửa bầu vú quét đất, núm vú chìa ra, mông rộng và thẳng, gốc đuôi to và cao. Bốn chân vừa phải, bụng xệ trông càng thấp, càng yếu, bàn chân đi chụm khi còn non, khi lớn lên hơi choãi, móng sau có con có thể chạm đất, lông ngắn và thưa, da hơi hồng. Mõm ươn ướt, mắt tinh nhanh, đuôi phe phẩy. Bụng có 12 vú, ít con có vú lẻ, vú lép, nói chung đầu thẳng hàng dọc, cân đối hàng ngang.

4. Khả năng sản xuất lợn Lang Hồng

Khả năng sinh trưởng: Qua điều tra bình tuyển với số lượng n > 3000 lợn ở các lứa tuổi, cho biết sinh trưởng lợn Lang Hồng như sau: Sơ sinh: 0,40 – 0,45kg; cai sữa: 5,0 – 5,5kg; 6 tháng: 19 – 25kg; 10-12 tháng: 39 – 45kg; 13-24 tháng: 46 – 54kg; trên 25 tháng: 55 – 65kg. Các chiều đo dài thân và vòng ngực ở các giai đoạn như lúc 12 tháng tuổi: 76,30 – 81,31 cm và 76,40 – 81,70 cm; lúc 24 tháng tuổi: 82,15 – 86,50 cm và 79,30 – 86,1 6 cm; lúc trên 30 tháng tuổi: 86,30 – 93,52 cm và 84,95 – 92,03 cm. Nhìn chung lợn Lang Hồng là lợn hướng mỡ, lưng võng, bụng xệ, chỉ số tròn mình luôn đạt 94-97% thậm chí có khi 100%. Lợn sau 12 tháng tuổi sinh trưởng phát dục đã ổn định. Khối lượng, các chiều đo có tăng sau tuổi này chủ yếu do tích luỹ mỡ.

Khả năng sinh sản: Lợn nái Lang Hồng cho con bú đều đặn, ít giẫm hay đè bẹp con. Sức tiết sữa của lợn nái Lang Hồng thường cao nhất vào lúc lợn con 3 – 4 tuần tuổi và đạt 85 kg trong tháng đầu. Thời gian sử dụng của lợn nái Lang Hồng không cao. Thường loại thải sau 5-6 lứa đẻ nghĩa là lúc lợn mẹ 4 tuổi trở đi vì lúc này cơ thể yếu ớt, lúc chửa lưng càng võng, bụng càng xệ, vú càng quét đất, đẻ xong người gầy sút rất nhanh, khả năng quay vòng chậm. Lợn đực thành thục sớm hơn, 3 tháng đã thành thục về sinh dục. Khai thác tinh hoặc cho nhảy trực tiếp vào lúc 6 tháng, lợn được sử dụng khoảng 2-3 năm. Phẩm chất tinh dịch của lợn Lang Hồng không khác mấy so với các loại lợn nội khác ở nước ta: lượng xuất tinh 50- 120 ml, hoạt lực tinh trùng: 70-80%; mật độ tinh trùng 80-150 triệu/ml; tỷ lệ kỳ hình 3-7%. Lợn Lang Hồng có sức chống bệnh cao, chống chọi được với điều kiện sống kham khổ, lạnh khô và nóng ẩm.

Khả năng cho thịt: Lợn Lang Hồng là loại lợn hướng mỡ. Trọng lượng trước lúc giết thịt 50­60 kg (10- 12 tháng tuổi tỷ lệ thịt xẻ 65-68%. Tỷ lệ thịt móc hàm 72-75% tỷ lệ mỡ 35-38%; tỷ lệ nạc 38-42%.

Đặc điểm tốt: Lợn Lang Hồng là giống lợn có thành thục về tính sớm, chịu đựng kham khổ và có sức sinh sản tốt. Do đó lợn Lang Hồng được nhân dân Hà Bắc ưa chuộng và nuôi làm nền để lai kinh tế với lợn đực ngoại Landrace, công thức lai (LD x LH) của tác giả Trần Đình Miên và CTV.

5. Công tác bảo tồn nguồn gen

Do lợn Lang Hồng rất giống lợn Móng Cái về ngoại hình và sức sản xuất. Cần thiết phải phân định rõ hơn xem có phải là giống riêng biệt hay chỉ là một nhóm của lợn Móng Cái.

Hiện nay lợn Móng Cái rất phổ cập và đã lai nhiều với lợn Lang Hồng nên cần xác định một số vùng Tương đối rõ ràng để bảo tồn lợn Lang Hồng theo phương thức in-situ.

⇑⇒⇒ Nếu bạn cần sách KỸ THUẬT CHĂN NUÔI GIA SÚC TOÀN TẬP để vững tin hơn trong quá trình chăn nuôi của mình thì ấn tải về ngay bên dưới nhé, chúc bạn sớm thành công trên con đường mình đã chọn.

NUT_DOW

Bà con có thể để lại ý kiến thắc mắc của mình tại đây